BÍ KÍP TRONG CUỐN VỞ CŨ
Lần giở những xấp ảnh,ữngnghệnhâncuốicùngHoàinhớpháohoatuyệtkỹcách làm kim chi cải thảo giấy tờ cũ, đôi mắt cụ Phạm Văn Lũ (83 tuổi, trú tại Nam Ô, P.Hòa Hiệp Nam) như sáng lên khi bắt gặp lại những khoảnh khắc xưa có thể gọi là huy hoàng của nghề làm pháo Nam Ô. Tôi chú ý đến tấm giấy khen đã ố màu theo thời gian, đề ngày 4.9.1990 với nội dung Sở VH-TT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) khen tặng "nghệ nhân Phạm Văn Lũ thuộc Tổ kỹ thuật HTX pháo Nam Ô". "Tôi được khen thưởng vì làm pháo hoa cho sự kiện kỷ niệm 45 năm Quốc khánh 2.9.1990. Suốt mấy mươi năm làm nghề đóng pháo cho đến khi pháo nổ bị cấm từ ngày 1.1.1995, tấm giấy khen này là niềm tự hào của gia đình chúng tôi", cụ Lũ mở đầu câu chuyện.
Dẫn tôi đến gặp cụ Lũ là nhà nghiên cứu Đặng Dùng, người được mệnh danh là "nhà Nam Ô học". Ông Dùng bảo, cụ Lũ cùng các ông Trần Thiện, Trần Hào, Trần Lương… là thế hệ góp công xây dựng tên tuổi làng pháo Nam Ô nức tiếng khắp cả nước vào những năm 90 thế kỷ trước. Thời điểm đó, làm pháo thì ai cũng làm được nhưng để sáng chế ra các loại pháo đạt được trình độ "10 quả đều nổ cả chục" thì nay chỉ còn lại cụ Lũ. Hành trình để đưa Nam Ô "chết tên" với nghề làm pháo cũng có thể gọi là kỳ tích, vì chỉ từ thời điểm được hồi sinh (năm 1986) đến những năm sau 1990 nghề đã đạt đến đỉnh cao.
"Năm 1990, vào ngày 10.2 âm lịch, nhân sự kiện kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng TP.Đà Nẵng 29.3 dương lịch, những nghệ nhân làng pháo Nam Ô tổ chức lễ giỗ tổ nghề hoành tráng. Tất cả đều tôn vinh cụ Ngô Mai (quê Quảng Ngãi), người có khả năng dùng khoáng chất thiên nhiên làm pháo hoa, pháo nổ từ thời phong kiến. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), vua Bảo Đại cưới Nam Phương hoàng hậu, cụ Mai được triệu về kinh đô Huế để dựng giàn pháo hoa. Giàn pháo đã gây phấn khích từ nhà vua cho đến dân chúng. Thành quả ấy đã mang về cho cụ Mai hàm Chánh cửu phẩm. Từ đó, dân làng gọi cụ là Cửu Mai", ông Đặng Dùng nói về lịch sử hình thành làng pháo.
Theo nghiên cứu của ông Dùng, bí kíp làm pháo thì không nhà nào giống nhà nào, dù ai cũng nắm vững thuốc pháo có 2 loại: thuốc tim (thuốc dẫn) và thuốc nòng (thuốc nổ). Bởi vậy, khi biết cụ Lũ đưa cuốn vở ghi đầy đủ công thức chế tạo các loại pháo nổ, pháo hoa ra cho tôi xem, ông Dùng nói rằng trước 1995 không ai tiếp cận được tài liệu này. "Để có quả pháo nổ đẹp mắt, người nghệ nhân phải cất công tìm kiếm "bài thuốc" pha chế. Là tôi ghi ra để kỷ niệm chứ ngày trước không ai ghi chi tiết hàm lượng "thuốc", cách làm các loại pháo ra. Bởi nó là phương thức bí truyền", cụ Lũ chia sẻ.
"NHỚ, CHỨ KHÔNG TIẾC…"
Cụ Lũ từng nắm giữ bí quyết để chế tạo tất cả 14 loại pháo hoa, như pháo hoa rơi, pháo bướm đĩa bay, pháo bùm ngũ sắc, pháo long phi… Dù được chép bằng tay, nhưng thông tin cụ Lũ viết lại thật sự thú vị với những thông số từ giấy cuốn, thuốc pháo cho đến hình ảnh minh họa được vẽ chi tiết.
Nghề làm pháo Nam Ô thật sự sang trang mới khi trong làng có người tìm được cách pha chế "thuốc trắng". Đây là bài thuốc được thêm chất Chlorate và bột nhôm mịn (nhụ) cho ra tiếng nổ đanh hơn, xác pháo đều hơn… Lão nghệ nhân Lê Văn Xuất (đã qua đời) từng cho biết bài thuốc này đã mở ra bước tiến mới để pháo Nam Ô có khả năng cạnh tranh với các làng pháo Bình Đà, Đồng Kỵ ở phía bắc.
"Thuở đó, xưởng pháo của tôi có khoảng 10 nhân công, sản xuất quanh năm với hàng ngàn dây pháo nổ, hàng vạn quả pháo hoa. Cứ mỗi tết Dương lịch, tôi lại "cõng" pháo vào TP.HCM cho các bạn hàng nổi tiếng ở công viên Suối Tiên, Kỳ Hòa… để thi thố với pháo hoa của các làng nghề truyền thống ở phía bắc. Với chiến thắng thuyết phục trước pháo Bình Đà vào năm 1993, cơ sở của tôi được ký hợp đồng dài hạn để biểu diễn khoảng 10 đêm trong những kỳ Noel, tết tây… Cho đến ngày 1.1.1995 thì mọi thứ dừng hẳn", cụ Phạm Văn Lũ nhớ lại. Nhà nghiên cứu Đặng Dùng nhận xét thêm: "Với đẳng cấp không đâu theo kịp lúc đó, sản phẩm pháo hoa của làng nghề đã được giới mê pháo hoa miền Nam bấy giờ công nhận là "pháo hoa tuyệt kỹ" như băng rôn quảng cáo của họ treo để cổ vũ mỗi khi có pháo hoa Nam Ô biểu diễn".
"Nếu cho làm pháo lại, cụ có làm không?", tôi hỏi lão nghệ nhân Phạm Văn Lũ. Cụ lật cuốn vở chỉ vào dòng chữ "nguy hiểm" rồi quả quyết: "Nghề đã ăn sâu vào máu, trong giấc mơ tôi vẫn còn thấy nó. Nhưng nhớ vậy thôi, chứ không tiếc!". Có lẽ, thế hệ 8X, 9X ở làng Nam Ô không ai có thể quên được những vụ tai nạn kinh hoàng khi đang sản xuất pháo. Theo lời cụ Lũ, có vụ nổ đã cướp đi 6 - 7 sinh mạng của một gia đình. Có vụ ít người chết nhưng độ thảm khốc thì ám ảnh khủng khiếp. "Dừng nghề pháo là chủ trương đúng đắn. Lắm lúc nhìn lại, tôi thấy mình liều mạng quá…", cụ Lũ trải lòng.
Đốt pháo gây nhiều hệ lụy cho xã hội
Theo Chỉ thị 406 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo (có hiệu lực từ ngày 1.1.1995) do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành lúc đó, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn 20 - 30 tỉ đồng. Sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn, không thống kê được.